Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung: Cần thiết để đảm bảo quyền con người

Chi âm, ghi hình trong tố tụng hình sự

Chi âm, ghi hình trong tố tụng hình sự

Khi trình độ khoa học, kỹ thuật hiện đại, phát triển mạnh mẽ như ngày nay thì không chỉ trong giới các nhà khoa học là những người tiếp cận với các phương tiện hiện đại mà ngay cả những nhà lập pháp, hành pháp, tư pháp đều phải cập nhật, ứng dụng các phương tiện hiện đại mới đảm bảo hiệu quả công việc và bắt nhập với thời đại. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã quy định cụ thể về việc ghi âm, ghi hình có âm thanh đối với các giai đoạn tố tụng, đặc biệt là quá trình điều tra, hỏi cung để ngăn chặn việc truy cứu oan sai trách nhiệm hình sự.
Tham gia góp ý diễn đàn Có nên ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can? Gần hết bạn đọc gửi ý kiến tham gia góp ý đều thống nhất rằng việc trang bị các thiết bị kỹ thuật ghi âm, ghi hình để giám sát hoạt động hỏi cung là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn.

Tình trạng bức cung, nhục hình trong thời gian qua đã gây bức xúc trong xã hội. Thực ra tình trạng này không phải bây giờ mới có, mà nó đã xảy ra từ rất lâu, chỉ có điều trước đây không mấy ai quan tâm. Quan niệm cứ công an bắt giam là "chắc chắn" có tội. Quan niệm này đến nay không phải đã hết mà nó còn tương đối phổ biến. Đây là nội dung ý kiến của luật sư Phan Ngọc Nhàn gửi đến Netluat bày tỏ ý kiến.

Tốn kém sao bằng 10 năm tù oan
 
Nhiều ý kiến cho rằng việc đặt máy ghi âm, ghi hình tại các buổi lấy cung là hết sức cần thiết. Việc trang bị này đúng là có tốn kém nhưng không phải là không thực hiện được. Có ý kiến còn khẳng định quan trọng nhất vẫn là niềm tin vào công lý của nhân dân, tốn kém tiền của sao bằng những năm tháng tù oan của người vô tội, chưa kể mất mạng oan cũng vì xảy ra bức cung nhục hình trong việc lấy lời khai.

Bạn Lê Văn Thư đồng tình: “ Tôi hoàn toàn ủng hộ việc trang bị các thiết bị kỹ thuật để giám sát hoạt động hỏi cung và sự có mặt của Luật sư để đảm sự khách quan và giảm oan sai. Tốn kinh phí lớn nhưng đảm bảo được sự công bằng, bảo vệ được công lý và có được niềm tin của người dân, bạn bè quốc tế vào hệ thống pháp lý Việt Nam thì cũng nên làm. Có những thứ dù có tốn bao nhiêu kinh phí cũng không thể mua được, chẳng hạn như niềm tin”.


Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn là một vụ án điển hình về bức cung nhục hình. Ông Chấn đã phải ở tù oan đến 10 năm mới được minh oan 

Bạn Khanh khẳng định: “Rất, rất cần thiết. Một cái án oan rất đau lòng, cả tinh thần lẫn vật chất, cả người bị oan lẫn hệ thống tư pháp của mình, trên cả sự tốn kém. Thôi đừng sợ tốn kém nữa ngồi tù oan 10 năm không có gì bù đắp nổi đâu”.

Có ý kiến cho rằng việc ghi âm, ghi hình trong khi hỏi cung còn đảm bảo các quyền của người bị xét hỏi, việc này khiến cho việc điều tra được minh bạch, công khai.
“Tôi đồng ý ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung, đó là việc hết sức cần thiết, không những đảm bảo quyền con người, quyền công dân mà còn giúp cho công tác xét xử nói chung và công tác điều tra được minh bạch nói riêng”, bạn Nguyễn Văn Điền góp ý.

Luật gia Nam bày tỏ ủng hộ việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung các bị can, bị cáo, theo luật gia điều đó thể hiện một nền tố tụng hình sự tiến bộ, văn minh, tôn trọng quyền con người: “Chúng ta cứ lấy lý do kinh phí trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình, quản lý lớn, thật ra nó có lớn đến mức không thể trang bị được hay không? Hay thực chất là việc giám sát minh bạch hoạt động hỏi cung thì cơ quan điều tra sẽ "khó chứng minh tội phạm"? Ý kiến này đã nhận được nhiều nhất sự đồng tình từ các bạn đọc.
 
Bạn đọc Ngọc Anh cho rằng ghi âm, ghi hình trong các buổi hỏi cung là hết sức hợp lý vì “Không đương nhiên mà những quốc gia có nền Lập Pháp, Hành Pháp, Tư Pháp phát triển lại áp dụng việc ghi âm, ghi hình trong các buổi lấy lời khai”.

Nhiều bạn đọc còn tính toán và cho rằng việc trang bị kỹ thuật như vậy cũng không tốn kinh phí lắm.

Ghi âm, ghi hình trong hỏi cung có thực giảm được oan sai?

Cũng có bạn đọc nghi ngờ tính hữu dụng của việc trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình trong các buổi hỏi cung và cho rằng biết đâu việc trang bị đó sẽ chỉ là để đối phó. Bức cung, nhục hình không nhất thiết phải xảy ra trong các buổi hỏi cung bài bản có ghi âm ghi hình như thế, nó có thể ra ở bất cứ đâu.
 


Thạch Sô Phách (trái) và Trần Hol  là hai trong 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bức cung, nhục hình trong điều tra gây chấn động dư luận vì mức độ tàn nhẫn của điều tra viên.

“Nhiều thẩm phán xét xử ra bản án như những cái máy được lập trình sẵn mà không thể phân biệt được hành vi nào là tội phạm, hành vi nào chưa cấu thành hoặc không cấu thành, thì làm sao tránh được oan sai. Tình trạng xét xử "án tại hồ sơ" vẫn được áp dụng rất phố biến. Chủ trương cải cách Tư pháp của Đảng và Nhà nước "Tòa án ra phán quyết trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, kết hợp với hồ sơ vụ án" đã không còn được nhắc nhở, giáo dục và thực hiện trong thực tiễn xét xử. Thay vào đó, nguyên tắc buộc tội bằng mọi giá nhằm "cứu bồ cơ quan bạn" (tránh oan sai) trong các cơ quan tố tụng lại được áp dụng triệt để”,luật sư Phan Ngọc Nhàn nêu ý kiến.

Cũng theo luật sư Nhàn: “Việc đặt máy ghi âm, ghi hình trong lúc lấy lời khai là cần thiết, nhưng việc này chưa hẳn đã có thể chấm dứt tình trạng bức cung, nhục hình. Ví dụ: trước khi lấy cung trong phòng có đặt máy ghi âm, ghi hình, điều tra viên "tẩn cho bị can một trận" với đe dọa: tý nữa ra phòng lấy cung mày phải khai thế này, nếu khai khác ông sẽ "tẩn cho trận nữa", thì liệu bị can có dám khai khác không? và như vậy, việc ghi âm, ghi hình liệu có tác dụng!!!”. Thắc mắc này của luật sư cũng nhận được rất nhiều sự đồng thuận của các bạn đọc khác.

 


 Một buổi hỏi cung. Ảnh minh họa

Giải pháp nào cho việc này?
 
Nhiều ý kiến gửi về góp ý điễn đàn cũng nêu các giải pháp nhằm tránh bức cung, nhục hình trong điều tra thay vì trang bị máy ghi âm, ghi hình có thể trở thành để đối phó.

Luật sư Nhàn nêu giải pháp: “Nên chăng, Luật tố tụng hình sự và các luật tổ chức TAND, VKSND, Điều tra hình sự nên quy định việc tuyển chọn chức danh Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán một cách nghiêm ngặt, có chế độ ưu đãi đúng mức và có biện pháp chế tài đủ mạnh, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự khi có oan - sai. Có như vậy, tình trạng oan sai mới mong hạn chế được”.

Bạn Ngọc Khánh lại cho rằng việc tốt nhất là tách riêng nơi giam giữ và điều tra để tránh việc lạm quyền: “Đơn giản nhất và hiệu quả nhất là tách việc giam giữ ra khỏi cơ quan điều tra đó là chuyển việc giam giữ, tạm giam, tạm giữ sang cho Bộ Tư pháp. Công anh muốn hỏi cung, lấy lời khai qua bên nhà giam của Bộ Tư pháp mà lấy lúc đó sẽ tránh được việc lạm quyền”...

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được Quốc hội thông qua ngày 17.11.2015 có hiệu lực từ ngày 01.7.2016 quy định:

"Điều 183. Hỏi cung bị can:

...6. Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng."


Tại chương XVI về Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt quy định:

"Điều 223. Các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

1. Ghi âm, ghi hình bí mật;

2. Nghe điện thoại bí mật;

3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử."


Với các quy định mới của Luật tố tụng hình sự 2015 đã thể hiện bước phát triển mới của Pháp luật Việt Nam, là việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, điều tra làm rõ các vụ án hình sự. Với những quy định nêu trên đã thể hiện quyền dân chủ được mở rộng, sẽ giảm đáng kể việc làm oan sai của các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, để áp dụng có hiệu quả trên thực tế còn tuỳ thuộc vào cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ cán bộ theo từng cấp và các vùng miền khác nhau.
(Bài viết có sử dụng trích đoạn tư liệu, nội dung bài viết trên Báo Pháp luật TPHCM)
 
 
 

Tác giả bài viết: DUC PHUONG LAW