Những điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 - Phần 3

Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật dân sự 2015

ộ luật Dân sự là đạo luật rất quan trọng của mỗi quốc gia, có tác động trong việc điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản của xã hội, mỗi công dân, các gia đình, cơ quan, tổ chức. Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 với nhiều chế định mới, tiến bộ, thể hiện một cách đầy đủ nhất với tính chất là luật chung và định hướng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự đặc thù, xử lý bất cập của luật hiện hành, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2017.
Chương VII: Tài sản
 
79. Tài sản - Căn cứ Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm quy định sau: “Tài sản bao gồm BĐS và động sản. BĐS và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.”
 
80. Đăng ký tài sản - Căn cứ Điều 106 Bộ luật Dân sự 2015
 
Việc đăng ký tài sản lần đầu tiên được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015:
 
- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là BĐS được đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và pháp luật về đăng ký tài sản.
 
- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.
 
- Việc đăng ký tài sản phải được công khai.
 
81. Tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai - Căn cứ Điều 108 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định hoàn toàn mới tại Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành và chủ thể đã xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản trước hoặc tại thời điểm xác lập giao dịch.
 
- Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:
 
+ Tài sản chưa hình thành.
 
+ Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.
 
82. Quyền tài sản - Căn cứ Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định cụ thể quyền tài sản gồm những gì:
 
Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
 
Chương VIII: Giao dịch dân sự
 
83. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự - Căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015
 
Chi tiết hơn các điều kiện để GDDS có hiệu lực:
 
- Chủ thể có NLPL dân sự, NLHVDS phù hợp với GDDS được xác lập.
 
- Chủ thể tham gia GDDS hoàn toàn tự nguyện.
 
- Mục đích và nội dung của GDDS không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
 
84. Mục đích của giao dịch dân sự - Căn cứ Điều 118 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bãi bỏ cụm từ “hợp pháp” trong quy định mục đích của GDDS:
 
Mục đích của GDDS là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó.
 
85. Hình thức giao dịch dân sự - Căn cứ Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định cụ thể trường hợp GDDS thông qua hình thức thông điệp dữ liệu:
 
GDDS thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
 
86. Giao dịch dân sự vô hiệu - Căn cứ Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm điều khoản loại trừ:
 
GDDS không có một trong các điều kiện có hiệu lực đã nêu trên thì vô hiệu, trừ trường hợp BLDS 2015 có quy định khác.
 
87. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện - Căn cứ Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định cụ thể hơn trước, đồng thời, bổ sung điều khoản loại trừ các GDDS không bị xem là vô hiệu:
 
- Khi GDDS do người chưa thành niên, người mất NLHVDS, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế NLHVDS xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp sau:
 
GDDS của người nêu trên không bị vô hiệu trong trường hợp sau:
 
+ GDDS của người chưa đủ 06 tuổi, người mất NLHVDS nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó.
 
+ GDDS chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất NLHVDS, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế NLHVDS với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ.
 
+ GDDS được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục NLHVDS.
 
88. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn - Căn cứ Điều 126 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định lại nội dung GDDS vô hiệu do bị nhầm lẫn:
 
- Trường hợp GDDS được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố GDDS vô hiệu, trừ trường hợp các bên đạt được mục đích GDDS.
 
- GDDS được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập GDDS của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập GDDS vẫn đạt được.
 
89. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép - Căn cứ Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bổ sung từ “cưỡng ép” sau các cụm từ “đe dọa”
 
90. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức - Căn cứ Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định điều khoản loại trừ không bị xem là vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức:
 
- GDDS đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.
 
- GDDS đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
 
91. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu - Căn cứ Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Thêm các quy định sau: “Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.” trong nghĩa vụ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
 
- Bổ sung quy định sau:
 
+ Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
 
+ Việc giải quyết hậu quả của GDDS vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định.
 
92. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu - Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định cụ thể mốc thời điểm để xác định thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố GDDS vô hiệu:
 
Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố GDDS vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; bị nhầm lẫn; người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; không tuân thủ quy định về hình thức là 02 năm, kể từ ngày:
 
+ Người đại diện của người chưa thành niên, người mất NLHVDS, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế NLHVDS biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch.
 
+ Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối.
 
+ Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép.
 
+ Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch.
 
+ GDDS được xác lập trong trường hợp GDDS không tuân thủ quy định về hình thức.
 
- Hết thời hiệu quy định trên mà không có yêu cầu tuyên bố GDDS vô hiệu thì GDDS có hiệu lực.
 
93. Nhiều quy định bảo đảm quyền lợi của người thứ 3 ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu - Căn cứ Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015
 
So với BLDS 2005, quy định bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình khi GDDS vô hiệu được mở rộng hơn:
 
- Trường hợp GDDS vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ 3 ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định về quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình.
 
- Trường hợp GDDS vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một GDDS khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
 
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì GDDS với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.
 
- Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu GDDS với người này không bị vô hiệu theo quy định vừa nêu trên nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và BTTH.
 
Chương IX: Đại diện
 
94. Đại diện - Căn cứ Điều 134 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Quy định rõ ràng bên đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân:
 
Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện GDDS.
 
- Bãi bỏ cụm từ “chủ thể khác” theo đúng phạm vi điều chỉnh mà ban đầu BLDS 2015 đã đặt ra:
 
Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện GDDS thông qua người đại diện.
 
- Quy định lại nội dung sau:
 
Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có NLPL dân sự, NLHVDS phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
 
95. Quy định cụ thể căn cứ xác lập quyền đại diện - Căn cứ Điều 135 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định pháp luật (gọi chung là đại diện theo pháp luật).
 
96. Tách riêng quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân và đại diện theo pháp luật của pháp nhân - Căn cứ Điều 136, 137 Bộ luật Dân sự 2015
 
* Đại diện theo pháp luật của cá nhân:
 
+ Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
 
+ Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
 
+ Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định trên.
 
+ Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế NLHVDS.
 
* Đại diện theo pháp luật của pháp nhân
 
+ Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ.
 
+ Người có thẩm quyền đại diện theo quy định pháp luật.
 
+ Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
 
Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định về thời hạn đại diện và phạm vi đại diện.
 
97. Đại diện theo ủy quyền - Căn cứ Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm quy định sau bên cạnh các quy định đã được nêu tại BLDS 2005:
 
Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện GDDS liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
 
98. Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện - Căn cứ Điều 139 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định cụ thể hậu quả pháp lý của hành vi đại diện:
 
- GDDS do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.
 
- Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.
 
- Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối.
 
99. Thời hạn đại diện - Căn cứ Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đề cập cụ thể thời hạn đại diện – trước đây, BLDS 2005 không quy định vấn đề này:
 
- Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định pháp luật.
 
- Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện theo quy định trên thì thời hạn đại diện được xác định như sau:
 
+ Nếu quyền đại diện được xác định theo GDDS cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt GDDS đó.
 
+ Nếu quyền đại diện không được xác định với GDDS cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.
 
- Quy định bổ sung một số trường hợp đại diện theo ủy quyền chấm dứt:
 
+ Theo thỏa thuận.
 
+ Thời hạn ủy quyền đã hết.
 
+ Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành.
 
+ Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền.
 
+ Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại.
 
+ Người đại diện không còn đủ điều kiện (NLPL và NLHVDS) làm đại diện.
 
+ Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
 
- Trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật không thay đổi so với trước.
 
100. Phạm vi đại diện - Căn cứ Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Quy định cụ thể chi tiết căn cứ xác lập, thực hiện GDDS trong phạm vi đại diện:
 
Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện GDDS trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau:
 
+ Quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
 
+ Điều lệ của pháp nhân.
 
+ Nội dung ủy quyền.
 
+ Quy định khác của pháp luật.
 
- Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định nêu trên thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi GDDS vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 
Đây là quy định mới quan trọng của BLDS 2015.
 
- Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện GDDS với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 
- Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
 
101. Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện - Căn cứ Điều 142 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Thêm điều khoản loại trừ đối với trường hợp GDDS do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện:
 
GDDS do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ một trong các trường hợp sau:
 
+ Người được đại diện đã công nhận giao dịch.
 
+ Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý.
 
+ Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện GDDS với mình không có quyền đại diện.
 
- Trường hợp GDDS do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.
 
- Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc huỷ bỏ GDDS đã xác lập và yêu cầu BTTH, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp loại trừ nêu trên.
 
- Trường hợp người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện GDDS mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới BTTH.
 
102. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện - Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 143 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Thêm điều khoản loại trừ trong trường hợp GDDS do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ các trường hợp sau:
 
+ Người được đại diện đồng ý.
 
+ Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý.
 
+ Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện GDDS với mình vượt quá phạm vi đại diện.
 
- Thêm quy định sau:
 
Trường hợp GDDS do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
 
Chương X: Thời hạn và thời hiệu
 
103. Áp dụng cách tính thời hạn - Căn cứ Điều 145 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm điều khoản loại trừ vế áp dụng tính thời hạn:
 
Thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 
104. Thời điểm bắt đầu thời hạn - Căn cứ Điều 147 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm cụm từ “liền kề” vào sau từ “tiếp theo” nhằm làm rõ về thời điểm bắt đầu thời hạn:
 
- Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
 
- Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó.
 
105. Thời hiệu - Căn cứ Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định cụ thể về thời hiệu hơn so với Bộ luật Dân sự 2005:
 
- Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
 
Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan.
 
- Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
 
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
 
106. Hiệu lực của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự - Căn cứ Điều 152 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bãi bỏ quy định: “Các trường hợp không áp dụng thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự” tại BLDS 2005.
 
107. Tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự - Căn cứ Điều 153 Bộ luật Dân sự 2015
 
Làm rõ quy định về thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau:
 
- Có sự giải quyết bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu.
 
- Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp và đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
 
108. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự - Căn cứ Điều 154 Bộ luật Dân sự 2015
 
Làm rõ thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự:
 
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 
Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự không thay đổi so với trước.
 
109. Quy định lại các trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện - Căn cứ Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau:
 
- Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
 
- Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
 
- Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo Luật đất đai.
 
- Trường hợp khác do luật quy định.
 
110. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự - Căn cứ Điều 156 Bộ luật dân sự 2015
 
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
 
- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
 
(Nội dung sự kiện này không thay đổi so với Bộ luật Dân sự 2005)
 
- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
 
(Thêm trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi)
 
- Người chưa thành niên, người mất NLHVDS, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế NLHVDS chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau:
 
+ Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân.
 
+ Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
 
(Thêm trường hợp người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại)
 
PHẦN THỨ HAI: QUYỀN SỞ HỮU VÀ QUYỀN KHÁC ĐỐI VỚI TÀI SẢN
 
Chương XI: Quy định chung
 
111. Quyền khác đối với tài sản - Căn cứ Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 có liên quan đến quyền tài sản.
 
- Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
 
- Quyền khác đối với tài sản bao gồm:
 
+ Quyền đối với BĐS liền kề.
 
+ Quyền hưởng dụng.
 
+ Quyền bề mặt.
 
112. Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản - Căn cứ Điều 160 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định chặt chẽ hơn nguyên tắc thực hiện quyền này như sau:
 
- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định.
 
Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
 
(Quy định luôn cả hướng xử lý đối với trường hợp chuyển giao quyền sở hữu tài sản)
 
- Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
 
- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại BLDS 2015, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.
 
113. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản - Căn cứ Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015
 
Nêu rõ thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản – một quy định mà BLDS 2005 chưa đề cập.
 
- Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của BLDS 2015, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.
 
Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.
 
- Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
114. Chịu rủi ro về tài sản Căn cứ Điều 162 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bao hàm tất cả các trường hợp chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro, không riêng gì rủi ro về tài sản bị tiêu hủy, hư hỏng hay sự kiện bất khả kháng.
 
- Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
 
- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
 
115. Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản - Căn cứ Điều 163 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Quy định luôn cả việc bảo vệ quyền khác đối với tài sản:
 
Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản.
 
- Giá bồi thường trong trưng mua, trưng dụng là giá thị trường
 
Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
 
116. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản - Căn cứ Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015
 
Về bản chất không thay đổi so với BLDS 2005, tuy nhiên, bổ sung thêm biện pháp bảo vệ quyền khác đối với tài sản cho các chủ thể có quyền này.
 
117. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật - Căn cứ Điều 165 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bổ sung thêm quy định nhấn mạnh các loại chiếm hữu không có căn cứ pháp luật:
 
Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định chiếm hữu có căn cứ pháp luật là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.
 
118. Quyền đòi lại tài sản - Căn cứ Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Bổ sung thêm quyền đòi lại tài sản của chủ thể có quyền khác đối với tài sản:
 
Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
 
- Thêm quy định về việc đòi lại tài sản:
 
Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.
 
119. Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình - Căn cứ Điều 168 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định lại nội dung như sau:
 
Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình, trừ trường hợp sau:
 
“Trường hợp GDDS vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một GDDS khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
 
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.”
 
120. Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản - Căn cứ Điều 169 Bộ luật dân sự 2015
 
Thay cụm từ “quyền chiếm hữu hợp pháp” thành cụm từ “quyền khác đối với tài sản”, các nội dung còn lại không thay đổi so với BLDS 2005.
 
121. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại - Căn cứ Điều 170 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thay cụm từ “người quyền chiếm hữu hợp pháp” thành cụm từ “chủ thể có quyền khác đối với tài sản”, các nội dung còn lại không thay đổi so với BLDS 2005.
 
122. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết - Căn cứ Điều 171 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm cụm từ “chủ thể có quyền khác đối với tài sản” bên cạnh cụm từ “chủ sở hữu”. Nghĩa là chủ thể có quyền khác đối với tài sản cũng có quyền và nghĩa vụ tương tự chủ sở hữu.
 
123. Nghĩa vụ bảo vệ môi trường; tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tôn trọng quy tắc xây dựng - Căn cứ Điều 172, 173, 174 Bộ luật Dân sự 2015
 
Nghĩa vụ này cũng được áp dụng đối với trường hợp thực hiện quyền khác đối với tài sản.
 
124. Ranh giới giữa các bất động sản - Căn cứ Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bổ sung quy định sau:
 
Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
 
125. Mốc giới ngăn cách các bất động sản - Căn cứ Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm cụm từ “trồng cây” bên cạnh các cụm từ “cột mốc, hàng rào”.
 
126. Bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại - Căn cứ Điều 177 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định cụ thể chặt chẽ hơn so với BLDS 2005:
 
- Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống BĐS liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu BĐS liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
 
Nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu BĐS liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.
 
- Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.
 
Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu tài sản đó phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu BĐS khác.
 
- Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu BĐS liền kề và xung quanh quy định trên thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.
 
Chương XII: Chiếm hữu
 
127. Khái niệm chiếm hữu - Căn cứ Điều 179 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Làm rõ khái niệm chiếm hữu:
 
Đó là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.
 
- Phân loại chiếm hữu:
 
Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.
 
Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp sau:
 
+ Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu.
 
+ Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy.
 
+ Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên.
 
+ Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc.
 
+ Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc.
 
+ Xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước.
 
+ Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
 
128. Chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình - Căn cứ Điều 180, 181 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định rõ thế nào là chiếm hữu ngay tình và thế nào được xem là chiếm hữu không ngay tình:
 
- Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.
 
- Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.
 
129. Chiếm hữu liên tục - Căn cứ Điều 182 Bộ luật Dân sự 2015
 
Ngoài trường hợp chiếm hữu trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó thì trường hợp có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác cũng được xem là chiếm hữu liên tục:
 
- Chiếm hữu liên tục là việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.
 
- Việc chiếm hữu không liên tục không được coi là căn cứ để suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu theo quy định.
 
130. Chiếm hữu công khai - Căn cứ Điều 183 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm quy định sau:
 
Việc chiếm hữu không công khai không được coi là căn cứ để suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu theo quy định.
 
131. Suy đoán về tình trạng và quyền của người chiếm hữu - Căn cứ Điều 184 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới tại BLDS 2015:
 
- Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh.
 
- Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền.
 
- Người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại theo quy định của BLDS 2015 và luật khác có liên quan.
 
132. Bảo vệ việc chiếm hữu - Căn cứ Điều 185 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định mới được đề cập tại BLDS 2015 nhằm đảm bảo quyền lợi cho việc chiếm hữu.
 
Trường hợp việc chiếm hữu bị người khác xâm phạm thì người chiếm hữu có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và BTTH hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và BTTH.
 
Kim Yến (Tổng hợp)

Nguồn: Trang tin Ban QL Lăng CT HCM

-------------------------------------------------------------------------------
 
DUC PHUONG LAW luôn cập nhật những quy định mới của pháp luật để bảo vệ tốt nhất cho lợi ích của người sử dụng dịch vụ. 

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, giải đáp thắc mắc của bạn.

Trân trọng.


Nguồn tin: DS