Những điểm mới của Bộ luật Dân sự 2015 - Phần 5

Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật dân sự 2015

ộ luật Dân sự là đạo luật rất quan trọng của mỗi quốc gia, có tác động trong việc điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản của xã hội, mỗi công dân, các gia đình, cơ quan, tổ chức. Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 với nhiều chế định mới, tiến bộ, thể hiện một cách đầy đủ nhất với tính chất là luật chung và định hướng cho việc xây dựng các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự đặc thù, xử lý bất cập của luật hiện hành, giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn cuộc sống. Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2017.
PHẦN THỨ BA: NGHĨA VỤ VÀ HỢP ĐỒNG
 
Chương XV: Quy định chung
 
Các quy định tại chương này bãi bỏ từ “dân sự” bên cạnh từ “nghĩa vụ” đối với các quy định liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ.
 
183. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ - Căn cứ Điều 274 Bộ luật Dân sự 2015
 
Chỉ cần đó là hợp đồng, không nhất thiết là hợp đồng dân sự như BLDS 2005 mới được xem là căn cứ phát sinh nghĩa vụ.
 
Các căn cứ phát sinh nghĩa vụ còn lại không thay đổi so với trước.
 
184. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ - Căn cứ Điều 278 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Thời hạn thực hiện nghĩa vụ không chỉ là do các bên thỏa thuận, theo quy định pháp luật theo BLDS 2005 mà còn là theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
 
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng hạn, trừ trường hợp BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định khác (bao hàm luôn cả trường hợp có sự đồng ý của bên có quyền đã quy định tại BLDS 2005)
 
185. Thực hiện nghĩa vụ theo định kỳ - Căn cứ Điều 282 Bộ luật Dân sự 2015
 
Ngoài việc thực hiện theo thỏa thuận, theo quy định pháp luật như BLDS 2005 thì nghĩa vụ định kỳ còn được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
 
186. Thực hiện nghĩa vụ có điều kiện - Căn cứ Điều 284 Bộ luật Dân sự 2015
 
Ngoài các quy định đã được đề cập tại BLDS 2005, bổ sung thêm quy định:
 
Trường hợp điều kiện không xảy ra hoặc xảy ra do có sự tác động của một bên thì áp dụng quy định sau:
 
“Trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra.
 
Trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.”
 
187. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ - Căn cứ Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015
 
Ngoài các biện pháp bảo đảm đã được quy định tại BLDS 2005, BLDS 2015 bổ sung các biện pháp sau:
 
- Bảo lưu quyền sở hữu.
 
- Cầm giữ tài sản.
 
188. Phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm - Căn cứ Điều 293 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Trong trường hợp không có thỏa thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi, tiền phạt và bồi thường thiệt hại.
 
(Thêm từ “trả tiền phạt” vào quy định này)
 
- Bổ sung quy định sau đối với nghĩa vụ trong tương lai:
 
Trường hợp bảo đảm nghĩa vụ trong tương lai thì nghĩa vụ được hình thành trong thời hạn bảo đảm là nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
189. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai - Căn cứ Điều 294 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là điểm mới quy định tại BLDS 2015.
 
- Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong tương lai, các bên có quyền thỏa thuận cụ thể về phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm và thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
 
- Khi nghĩa vụ trong tương lai được hình thành, các bên không phải xác lập lại biện pháp bảo đảm đối với nghĩa vụ đó.
 
190. Tài sản bảo đảm - Căn cứ Khoản 1, 2, 4 Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định lại nội dung tài sản bảo đảm, cụ thể như sau:
 
- Thêm điều khoản loại trừ đối với quy định tài sản bảo đảm thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm:
 
Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
 
- Bổ sung quy định sau:
 
Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
 
Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.
 
191. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba - Căn cứ Điều 297 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
 
- Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm quy định tại BLDS 2015 và luật khác có liên quan.
 
192. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm - Căn cứ Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
 
- Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật.
 
- Trường hợp khác do các bên thoả thuận hoặc luật có quy định.
 
193. Thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm - Căn cứ Điều 300 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác.
 
Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó.
 
- Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định trên mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.
 
194. Giao tài sản bảo đảm để xử lý - Căn cứ Điều 301 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định được xử lý tài sản bảo đảm nêu trên.
 
- Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
 
195. Quyền nhận lại tài sản bảo đảm - Căn cứ Điều 302 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
Trước thời điểm xử lý tài sản bảo đảm mà bên bảo đảm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bên nhận bảo đảm và thanh toán chi phí phát sinh do việc chậm thực hiện nghĩa vụ thì có quyền nhận lại tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác.
 
196. Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp - Căn cứ Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
 
+ Bán đấu giá tài sản.
 
+ Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản.
 
+ Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
 
+ Phương thức khác.
 
- Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
 
197. Bán tài sản cầm cố, thế chấp - Căn cứ Điều 304 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Việc bán đấu giá tài sản cầm cố, thế chấp được thực hiện theo quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản.
 
- Việc tự bán tài sản cầm cố, thế chấp của bên nhận bảo đảm được thực hiện theo quy định về bán tài sản trong BLDS 2015 và quy định sau đây:
 
+ Việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản được thực hiện theo quy định.
 
+ Sau khi có kết quả bán tài sản thì chủ sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý tài sản phải thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật để chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua tài sản.
 
198. Nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm - Căn cứ Điều 305 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Bên nhận bảo đảm được quyền nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm nếu có thỏa thuận khi xác lập giao dịch bảo đảm.
 
- Trường hợp không có thỏa thuận theo quy định trên thì bên nhận bảo đảm chỉ được nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ khi bên bảo đảm đồng ý bằng văn bản.
 
- Trường hợp giá trị của tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thanh toán số tiền chênh lệch đó cho bên bảo đảm; trường hợp giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán trở thành nghĩa vụ không có bảo đảm.
 
- Bên bảo đảm có nghĩa vụ thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên nhận bảo đảm theo quy định pháp luật.
 
199. Định giá tài sản bảo đảm - Căn cứ Điều 306 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm.
 
Trường hợp không có thỏa thuận thì tài sản được định giá thông qua tổ chức định giá tài sản.
 
- Việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường.
 
- Tổ chức định giá phải BTTH nếu có hành vi trái pháp luật mà gây thiệt hại cho bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm trong quá trình định giá tài sản bảo đảm.
 
200. Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp - Căn cứ Điều 307 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới của Bộ luật Dân sự 2015.
 
- Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định (sẽ được đề cập tại mục tiếp theo).
 
- Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
 
- Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
 
201. Thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận tài sản bảo đảm - Căn cứ Điều 308 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định lại nội dung này tại BLDS 2015 như sau:
 
- Khi một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm được xác định như sau:
 
+ Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập hiệu lực đối kháng.
 
+ Trường hợp có biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba và có biện pháp bảo đảm không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba được thanh toán trước.
 
+ Trường hợp các biện pháp bảo đảm đều không phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì thứ tự thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập biện pháp bảo đảm.
 
- Thứ tự ưu tiên thanh toán nêu trên có thể thay đổi, nếu các bên cùng nhận bảo đảm có thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhau. Bên thế quyền ưu tiên thanh toán chỉ được ưu tiên thanh toán trong phạm vi bảo đảm của bên mà mình thế quyền.
 
202. Hiệu lực của cầm cố tài sản - Căn cứ Điều 310 Bộ luật Dân sự 2015
 
Phân định rõ giữa hiệu lực của hợp đồng cầm cố tài sản và hiệu lực đối kháng với người thứ ba của việc cầm cố tài sản:
 
- Hợp đồng cầm cố tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
 
- Cầm cố tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản cầm cố.
 
Trường hợp BĐS là đối tượng của cầm cố theo quy định của luật thì việc cầm cố BĐS có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
 
203. Quyền của bên cầm cố - Căn cứ Điều 312 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Trong trường hợp sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sát giá trị thì bên cầm cố có quyền yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng thay vì đình chỉ sử dụng như trước đây:
 
Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp bên nhận cầm cố có quyền được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố (nếu có thoả thuận) nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
 
- Bên cạnh quyền yêu cầu trả lại tài sản cầm cố, bên cầm có quyền yêu cầu trả lại các giấy tờ liên quan nếu có:
 
Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan (nếu có) khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.
 
- Bổ sung thêm quyền trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố:
 
Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.
 
204. Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố - Căn cứ Điều 313 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm nghĩa vụ đối với bên nhận cầm cố:
 
- Trong trường hợp làm thất lạc, bên nhận cầm cố cũng phải có trách nhiệm BTTH cho bên cầm cố.
 
- Không được cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
- Trả lại giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
 
205. Quyền của bên nhận cầm cố - Căn cứ Điều 314 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm quyền đối với bên nhận cầm cố:
 
- Được cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố, nếu có thoả thuận.
 
206. Trả lại tài sản cầm cố - Căn cứ Điều 316 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm cụm từ “theo thỏa thuận của các bên” vào quy định sau:
 
Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt theo trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt; việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác hoặc theo thỏa thuận của các bên thì tài sản cầm cố, giấy tờ liên quan đến tài sản cầm cố được trả lại cho bên cầm cố.
 
Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 
207. Tài sản thế chấp - Căn cứ Điều 318 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Thêm điều khoản loại trừ trong trường hợp thế chấp toàn bộ BĐS, động sản có vật phụ:
 
Trường hợp thế chấp toàn bộ BĐS, động sản có vật phụ thì vật phụ của BĐS, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
- Khác với BLDS 2005, BLDS 2015 mặc định nếu thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
(Trước đây, chỉ khi có thỏa thuận tài sản gắn liền với đất mới được xem là tài sản thế chấp)
 
208. Hiệu lực của thế chấp tài sản - Căn cứ Điều 319 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới tại BLDS 2015.
 
- Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
 
- Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
 
209. Nghĩa vụ của bên thế chấp - Căn cứ Điều 320 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm nhiều nghĩa vụ cho bên thế chấp:
 
- Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
 
- Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 
- Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.
 
- Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định đã nêu trên.
 
- Không được thay thế tài sản thế chấp, trừ trường hợp đó là tài sản luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc không phải là tài sản luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác.
 
210. Quyền của bên thế chấp - Căn cứ Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bổ sung quyền đối với bên thế chấp:
 
- Nhận lại giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
 
- Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.
 
Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
 
211. Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp - Căn cứ Điều 322 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm nghĩa vụ “Thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định pháp luật.”
 
Đồng thời, bãi bỏ quy định: “Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xoá đăng ký trong các trường hợp xử lý, hủy bỏ, chấm dứt tài sản thế chấp”.
 
212. Quyền của bên nhận thế chấp – Căn cứ Điều 323 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm quyền đối với bên nhận thế chấp:
 
- Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định pháp luật.
 
- Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.
 
213. Nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp - Căn cứ Khoản 2 Điều 324 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thêm cụm từ “hoặc theo quy định pháp luật” vào nghĩa vụ sau:
 
 “Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thoả thuận hoặc theo quy định pháp luật.”
 
214. Thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất - Căn cứ Điều 325 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới tại BLDS 2015.
 
- Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
- Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
215. Thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất - Căn cứ Điều 326 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới tại BLDS 2015.
 
- Trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đồng thời là người sử dụng đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
- Trường hợp chỉ thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất thì khi xử lý tài sản gắn liền với đất, người nhận chuyển quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
216. Ký quỹ - Căn cứ Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015
 
Không thay đổi về bản chất nội dung, thay thế từ “ngân hàng” thành từ “tổ chức tín dụng”, thay thế từ “theo quy định pháp luật về ngân hàng” thành từ “theo quy định pháp luật”:
 
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.
 
Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định pháp luật.
 
Bảo lưu quyền sở hữu là một trong những nội dung mới về quyền sở hữu được quy định tại BLDS 2015, do vậy các nội dung được nêu từ mục 217 đến mục 220 là quy định mới.
 
217. Bảo lưu quyền sở hữu - Căn cứ Điều 331 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Trong hợp đồng mua bán, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ.
 
- Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.
 
- Bảo lưu quyền sở hữu phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
 
218. Quyền đòi lại tài sản - Căn cứ Điều 332 Bộ luật Dân sự 2015
 
Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu BTTH.
 
219. Quyền và nghĩa vụ của bên mua tài sản - Căn cứ Điều 333 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực.
 
- Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 
220. Chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu - Căn cứ Điều 334 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bảo lưu quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau:
 
- Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong.
 
- Bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu.
 
- Theo thỏa thuận của các bên.
 
221. Phạm vi bảo lãnh - Căn cứ Điều 336 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Ngoài các khoản nghĩa vụ bảo lãnh quy định tại BLDS 2005, BLDS 2015 bổ sung thêm “lãi trên số tiền chậm trả”:
 
Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền BTTH, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
 
- Bổ sung thêm các quy định sau:
 
Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
 
Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.
 
222. Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh - Căn cứ Điều 339 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bổ sung quy định sau:
 
Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
 
223. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh - Căn cứ Khoản 1, 3 Điều 341 Bộ luật Dân sự 2015
 
- Khác với BLDS 2005, BLDS 2015 quy định trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà được miễn thì không phải thực hiện nghĩa vụ:
 
Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
 
- Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.
 
224. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh - Căn cứ Điều 342 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới được đề cập tại BLDS 2015:
 
- Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.
 
- Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.
 
225. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội - Căn cứ Điều 344 Bộ luật Dân sự 2015
 
Thay cụm từ “ngân hàng” thành cụm từ “tổ chức tín dụng”, cụm từ “theo quy định của Chính phủ” thành cụm từ “theo quy định pháp luật”
 
Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định pháp luật.
 
226. Hình thức, nội dung tín chấp - Căn cứ Điều 345 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bổ sung quy định sau:
 
Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.
 
227. Xác lập cầm giữ tài sản- Căn cứ Điều 347 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới được đề cập tại BLDS 2015:
 
- Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
 
- Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.
 
228. Quyền của bên cầm giữ - Căn cứ Điều 348 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới được đề cập tại BLDS 2015:
 
- Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ.
 
- Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ.
 
- Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý.
 
Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.
 
229. Nghĩa vụ của bên cầm giữ - Căn cứ Điều 349 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới được đề cập tại BLDS 2015:
 
- Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ.
 
- Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ.
 
- Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
 
- Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện.
 
- Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.
 
230. Chấm dứt cầm giữ - Căn cứ Điều 350 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới được đề cập tại BLDS 2015:
 
Cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau:
 
- Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.
 
- Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ.
 
- Nghĩa vụ đã được thực hiện xong.
 
- Tài sản cầm giữ không còn.
 
- Theo thỏa thuận của các bên.
 
231. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ - Căn cứ Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền không chỉ trong trường hợp thực hiện không đúng nghĩa vụ, không thực hiện nghĩa vụ mà còn cả trong trường hợp thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ. Cụ thể:
 
Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
 
Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
 
232. Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ - Căn cứ Điều 352 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới tại BLDS 2015:
 
Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ.
 
233. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ - Căn cứ Khoản 2, 3 Điều 355 Bộ luật Dân sự 2015
 
Bổ sung thêm các quy định sau:
 
- Trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có nghĩa vụ có thể gửi tài sản tại nơi nhận gửi giữ tài sản hoặc áp dụng biện pháp cần thiết khác để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý.
 
 Trường hợp tài sản được gửi giữ thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền.
 
- Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và phải thông báo ngay cho bên có quyền, trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó.
 
234. Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật - Căn cứ Điều 356 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định chi tiết cụ thể hơn nội dung này như sau:
 
- Trường hợp nghĩa vụ giao vật đặc định không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.
 
- Trường hợp nghĩa vụ giao vật cùng loại không được thực hiện thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao vật cùng loại khác; nếu không có vật cùng loại khác thay thế thì phải thanh toán giá trị của vật.
 
- Trường hợp việc vi phạm nghĩa vụ quy định trên mà gây thiệt hại cho bên bị vi phạm thì bên vi phạm phải BTTH.
 
235. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền - Căn cứ Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới tại BLDS 2015:
 
- Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
 
- Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất thỏa thuận quy định tại BLDS 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định về lãi suất không thỏa thuận.
 
236. Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ - Căn cứ Điều 359 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định chi tiết cụ thể hơn so với BLDS 2005:
 
Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải BTTH cho bên đó và phải chịu mọi rủi ro, chi phí phát sinh kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp luật có quy định khác (thay vì trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc trường hợp luật có quy định khác)
 
237. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ - Căn cứ Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới tại BLDS 2015:
 
Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
 
238. Nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại - Căn cứ Điều 362 Bộ luật Dân sự 2015
 
Đây là quy định mới tại BLDS 2015:
 
Bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình.
 
239. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi -Căn cứ Điều 362 Bộ luật Dân sự 2015
 
Trước đây, BLDS 2005 không quy định về vấn đề này:
 
Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm chỉ phải BTTH tương ứng với mức độ lỗi của mình.
 
240. Chuyển giao quyền yêu cầu - Căn cứ Khoản 2 Điều 365 Bộ luật Dân sự 2015
 
Quy định chi tiết nội dung việc chuyển giao quyền yêu cầu như sau:
 
Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.
 
Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
 
Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này.
 
Kim Yến (Tổng hợp)

Nguồn: Trang tin Ban QL Lăng CT HCM

-------------------------------------------------------------------------------
 
DUC PHUONG LAW luôn cập nhật những quy định mới của pháp luật để bảo vệ tốt nhất cho lợi ích của người sử dụng dịch vụ. 

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, giải đáp thắc mắc của bạn.

Trân trọng.



Nguồn tin: DS