Tội đưa hối lộ và các yếu tố cấu thành

Đưa hối lộ

Đưa hối lộ

Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có liên quan trực tiếp đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự pháp luật và pháp chế xã hội chúng ta đang xây dựng, bảo vệ. Loại tội phạm này can thiệp sâu rộng trong các hoạt động chức năng của các cơ quan chuyên môn.
Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có liên quan trực tiếp đến sự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong bộ máy Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự pháp luật và pháp chế xã hội chúng ta đang xây dựng, bảo vệ. Loại tội phạm này can thiệp sâu rộng trong các hoạt động chức năng của các cơ quan chuyên môn; kẻ phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao hoặc dùng lợi ích vật chất tác động khiến người có chức vụ, quyền hạn không thực hiện đúng quy định và đều có mục đích vụ lợi.

Trước nguy cơ tác động vào mọi quan hệ pháp luật, diễn ra thường xuyên làm biến hóa, lệch lạc trong văn hóa giao tiếp của người dân và doanh nghiệp, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Để giúp cho việc nhận thức được đầy đủ, khoa học; giúp cho các đối tượng liên quan đến các quan hệ pháp luật này nhận thức rõ ràng về tác hại cũng như hậu quả pháp lý của nó; góp phần giúp cho hoạt động phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả; giúp những người có sai lầm sửa chữa, khắc phục hậu quả, sửa chữa hành vi đã gây ra. DUC PHUONG LAW xin giới thiệu về quy định của Bộ luật hình sự và phân tích các yếu tố cấu thành, hành vi, hậu quả, trách nhiệm pháp lý đối với tội “Đưa hối lộ” thuộc nhóm tội phạm tham nhũng như sau:    

I. TỘI ĐƯA HỐI LỘ:

Đưa hối lộ được hiểu là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (trực tiếp hoặc qua trung gian) để người có chức vụ, quyền hạn  làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Tội đưa hối lộ là một trong những nguyên nhân gây nên tệ nạn hối lộ, làm cho đội ngũ cán bộ cơ quan Nhà nước, tổ chức bị thoái hóa, biến chất và gây tác hại nhiều mặt đến việc thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

*Tội đưa hối lộ quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự:

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần,  thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm  mươi triệu đồng;

e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được  trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

II. Các yếu tố cấu thành tội phạm dưới góc độ pháp lý:

a. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm là bất cứ người nào có đủ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự.

Người đưa hối lộ là người có lợi ích liên quan đến việc làm hay không làm của người có chức vụ, quyền hạn. Lợi ích này có thể là lợi ích trực tiếp của người đưa hối lộ (được phân nhà, được đi học, đề bạt, bổ nhiệm…) hoặc là lợi ích của người thân quen, bạn bè hoặc cũng có thể là lợi ích của một tập thể mà người đưa hối lộ là đại diện.

b. Khách thể

Tội phạm này xâm hại một loại khách thể đó là những quan hệ xã hội bảo đảm cho hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, qua đó làm giảm uy tín của các cơ quan, tổ chức này.  

c. Mặt khách quan

- Về hành vi của tội phạm:

Hành vi ở đây gồm có hành vi “đưa” của hối lộ chứ chưa bao gồm các hành vi “gợi ý đưa”, “hứa đưa” của hối lộ.

Hành vi đưa của hối lộ đó có thể được thực hiện dưới bất kể hình thức nào, có thể do người đưa hối lộ trực tiếp đưa hoặc đưa qua người làm môi giới, có thể đưa trao tay có thể gửi qua các dịch vụ chuyển gửi v.v…

Theo quy định này, tội đưa hối lộ chỉ cấu thành khi người đưa hối lộ có hành vi đưa “của hối lộ”. Điều này đã thể hiện sự không thống nhất với Điều 279 BLHS về tội nhận hối lộ vì được xác định là hành vi “đã nhận hoặc sẽ nhận” của hối lộ. 

Tài sản đưa hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích khác.

- Về hậu quả của tội phạm:

Hậu quả của tội phạm này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu của hối lộ chưa đến 2 triệu đồng thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây hậu quả nghiêm trọng. 

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi đưa hối lộ gây ra là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.

- Tội đưa hối lộ hoàn thành từ thời điểm người đưa hối lộ đã đưa tiền, tài sản và yêu cầu người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc có lợi cho người đưa hối lộ mà không phụ thuộc vào người có chức vụ quyền hạn có đồng ý hay không. Trường hợp người đưa hối lộ mới yêu cầu người có chức vụ quyền hạn mà chưa đưa tiền, tài sản cụ thể thì tội phạm chỉ hoàn thành khi người có chức vụ đồng ý nhận của hối lộ đó. Trường hợp người đưa  hối lộ nhầm tưởng rằng người mà mình đưa hối lộ là người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của mình, nhưng trên thực tế người đó không có thẩm quyền, thì người đưa hối lộ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ (phạm tội chưa đạt).

d. Mặt chủ quan

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Khi quan hệ pháp luật bình thường đã đi quá xa, hành vi của người tham gia gây nguy hiểm đến mức đáng kể, có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự và hậu quả pháp lý. Tuy nhiên, để có sự sửa đổi đúng đắn, khắc phục hậu quả và tình trạng phạm tội đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi cá nhân cần có sự hiểu biết sâu sắc và thể hiện trách nhiệm trong đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực để sửa đổi, khắc phục hậu quả.

DUC PHUONG LAW là nơi hội tụ các Luật sư uy tín, các chuyên gia dày dạn kinh nghiệm sẽ giúp Quý khách giải quyết tốt và triệt để mọi vấn đề về tư vấn và tranh tụng. Giúp khắc phục hậu quả của những sai lầm do tội phạm gây ra. 
 

Tác giả bài viết: DUC PHUONG LAW