Bồi thường án oan sai – Đừng để “quýt làm cam phải chịu”!

Bồi thường án oan sai

Bồi thường án oan sai

Vụ kiện án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn đã kết thúc có hậu, Tòa án Nhân dân Tối cao đã quyết định bồi thường cho ông 7,2 tỷ đồng. Người dân chưa kịp vui mừng cho ông Chấn đã tiếp tục hoang mang khi nghe thông báo: Số tiền đền bù sẽ được trích ra từ Ngân sách Nhà nước. Hóa ra, chính người dân mới là người bồi thường các bản án oan à? Họ nên mừng (cho ông Chấn) hay nên lo đây?
Theo giải thích của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì người gây ra oan sai là các chức danh tư pháp, họ thi hành nhiệm vụ nhà nước giao và để xảy ra oan sai. Họ thay mặt nhà nước, đại diện cho pháp luật nên trước hết phải lấy ngân sách nhà nước bồi thường cho người bị oan sai.
 
ông Ngô Hồng Phúc – Phó chánh tòa phúc thẩm, TAND Tối cao đã gửi lời xin lỗi đến gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn. Và nhấn mạnh “Trường hợp này ông Chấn và gia đình hoàn toàn được bồi thường theo đúng luật định về sức khỏe, tinh thần và những điều tiếng trước đó mà ông cũng như gia đình phải gánh chịu”

ông Ngô Hồng Phúc – Phó chánh tòa phúc thẩm, TAND Tối cao đã gửi lời xin lỗi đến gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn. Và nhấn mạnh “Trường hợp này ông Chấn và gia đình hoàn toàn được bồi thường theo đúng luật định về sức khỏe, tinh thần và những điều tiếng trước đó mà ông cũng như gia đình phải gánh chịu”

Tại sao những cán bộ được trả lương từ ngân sách để đảm bảo công bằng xã hội, nhưng khi làm sai thì lại lấy ngân sách Nhà nước (tiền đóng thuế của dân) ra bồi thường? Nói cách khác, các cán bộ vừa được nhận lương, lại vừa được Nhà nước giải quyết “giùm” việc bồi thường khi xảy ra sai phạm. Liệu điều này có nghịch lý? Nhà nước và nhân dân giao phó cho họ trách nhiệm bảo vệ cán cân công lý và việc luật pháp được thực thi công bằng. Liệu họ có xứng đáng với niềm tin của nhân dân và nhà nước hay chưa? Trách nhiệm của những người thi hành công vụ ở đâu?

Căn cứ vào Nghị định 16, nếu người thi hành công vụ có “lỗi cố ý” gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ chỉ phải hoàn trả một khoản tiền tối đa không quá 36 tháng lương. Nếu họ có “lỗi cố ý” gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Còn trường hợp người thi hành công vụ có “lỗi vô ý” gây ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

Theo ông Uông Chu Lưu, “nghĩa vụ bồi hoàn đối với những cán bộ trực tiếp gây ra oan sai lại phải tính sau. Nếu anh cố ý, anh làm sai thì anh phải có trách nhiệm bồi hoàn”. Vậy có thể thấy, việc xác định lỗi vô ý và cố ý là một điểm mấu chốt trong việc quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại của án oan sai.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, giữa lỗi cố ý và vô ý của các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là rất khó phân biệt. “Bởi người ta luôn luôn đổ vào năng lực hạn chế, mà cái đó thì chứng minh rất là khó. Trừ trường hợp bắt quả tang anh có “đi đêm” ngầm với đương sự. Ngay cả lỗi cố ý đi chăng nữa thì việc bồi hoàn của cán bộ viên chức là rất nhỏ”.

Theo nhận xét của ông Quyền, nhà nước ta quy định quá chung chung, tạo thành lỗ hổng pháp luật rất lớn trong việc truy cứu trách nhiệm của những người thi hành công vụ khi làm sai. Vô hình chung đã tạo thành thói quen ỷ lại và “lách luật” của các cán bộ.

Nhưng trên thực tế, Bộ luật Hình sự của nước ta đã quy định khá rõ ràng về tội vô ý và cố ý phạm tội. Chỉ cần các cơ quan ban nghành làm mạnh và làm triệt để đúng theo luật thì việc xác định “vô ý” hay “cố ý” sẽ không khó.

Ví dụ, theo Điều 9 Bộ luật Hình sự về tội “cố ý phạm tội” có quy định: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra”.

Theo khoa học luật hình sự, khi nghiên cứu lỗi cố ý còn chia ra nhiều hình thức khác nhau. Các hình thức đó là: cố ý có dự mưu và cố ý đột xuất; cố ý xác định và cố ý không xác định.

Trong đó, lỗi “cố ý dự mưu” và lỗi “cố ý xác định” thường xuất hiện trong các vụ án oan sai. “Cố ý dự mưu” là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi đó đã suy nghĩ, tính toán cẩn thận mới bắt tay vào việc thực hiện tội phạm. “Cố ý xác định” là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi đã xác định được hậu quả.

Theo đó, những hành vi như mớm cung, dùng nhục hình ép bị cáo nhận tội, bắt kí vào bản khai, sửa lại các nội dung và tình tiết của vụ án đều thuộc trường hợp cố ý dự mưu và cố ý xác định vì đây là những hành vi được tính toán rất kĩ và xác định được hậu quả. Những hành vi phạm tội ở trên không thể nào đổ lỗi cho năng lực hạn chế được.

Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt trong niềm vui sướng của gia đình

Ngày 4/11/2013, ông Chấn được tạm tha về nhà sau 10 năm bị bắt trong niềm vui sướng của gia đình

Như trường hợp án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố các bị can Đặng Thế Vinh, Nguyên trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang là kiểm sát viên thụ lý chính vụ án và Trần Nhật Luật – Phó Trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang về tội “Cố ý gây làm sai lệch hồ sơ vụ án” gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy, trường hợp này đã được xác định là lỗi cố ý chứ không phải do thiếu năng lực. Phải chăng những bị cáo này nên trích tiền túi ra đền bù cho vụ án oan của ông Chấn chứ không phải là tiền đóng thuế của nhân dân? Cần có một câu trả lời hợp lý cho người dân về số tiền 7,2 tỷ đồng này.

Điều 10 và Điều 56 Luật bồi thường của nhà nước cũng quy định rõ trách nhiệm bồi thường nhà nước đã quy định, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại. Như vậy, trong trường hợp gây ra oan sai thì việc đầu tiên là trích từ ngân sách nhà nước bồi thường thiệt hại cho người bị oan sau đó người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại phải có nghĩa vụ hoàn trả cho nhà nước.

Nhưng trên thực tiễn, có mấy trường hợp người thi hành công vụ gây ra án oan phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước? Hay chính nhân dân phải gánh vác các khoản bồi thường này? Chính sự lỏng lẻo trong cơ chế đã khiến án oan xuất hiện ngày càng nhiều. Người thi hành công vụ không xem trách nhiệm bồi thường là một nghĩa vụ phải gánh vác, nên thậm chí họ biết là sai mà vẫn làm.

Đã đến lúc, vấn đề lỗi vô ý và cố ý của những người thi hành công vụ phải được quy định rõ trong Luật Bồi thường. Nếu không, người dân sẽ tiếp tục “gánh” những khoản bồi thường này và án oan sẽ vẫn còn tiếp diễn. 

Đừng để “quýt làm mà cam phải chịu”!

Theo truongtansang.net

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------