Chấn chỉnh hoạt động tố tụng

Chấn chỉnh hoạt động tố tụng
nld.com.vn - Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Vấn đề oan sai trong xét xử không phải mới và cũng không phải chỉ có ở luật pháp Việt Nam. Có điều, tỉ lệ oan sai ở mỗi nước khác nhau và quyết định tỉ lệ này là do hệ thống pháp luật của mỗi nước.
Yếu nghiệp vụ, nôn nóng phá án

Điều 11 Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS) quy định: CQĐT, VKSND và TAND phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; làm rõ chứng cứ xác định có tội và vô tội, tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng (THTT). Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
 

Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất của Bộ Luật TTHS. Để không vi phạm nguyên tắc này, người THTT phải có cái tâm và sự nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp của mình, phải đặt lợi ích của nhà nước lên trên hết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi công dân trong hoạt động TTHS.


Trong thực tế, nhiều đối tượng là nghi can trong vụ án hình sự rất ngoan cố, không hợp tác với CQĐT khai báo về hành vi phạm tội của mình. Nếu không nắm vững nghiệp vụ, thiếu bản lĩnh nghề nghiệp, nôn nóng phá án, cán bộ điều tra, điều tra viên dễ vượt ra khỏi quy định của pháp luật, sử dụng những biện pháp pháp luật cấm (bức cung, nhục hình, tra tấn…), vi phạm nghiêm trọng về quyền con người, điển hình như các vụ Nguyễn Thanh Chấn (tỉnh Bắc Giang), Bùi Minh Hải (Đồng Nai), Trần Văn Chiến (Tiền Giang), Nguyễn Minh Hùng (Tây Ninh)…


Trong từng vụ án oan sai, có khi xuất phát từ CQĐT, VKSND hay TAND nhưng hoạt động điều tra là một trong những “mắt xích” của cả giai đoạn TTHS. Không có giai đoạn điều tra thì không thể có các giai đoạn khác như truy tố, xét xử.


Chặn cơ hội lạm quyền


Bộ Luật TTHS quy định khá chặt chẽ về trường hợp phạm tội có khung hình phạt mức cao nhất là tử hình, nếu bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa thì CQĐT, VKSND, TAND phải yêu cầu đoàn luật sư (LS) phân công văn phòng LS cử người bào chữa cho họ. Song, luật chưa quy định cụ thể, bắt buộc khi lấy cung bị can phải luôn có mặt người bào chữa. Chính từ sự thiếu sót này đã tạo cơ hội cho những người THTT lạm quyền, sử dụng những biện pháp truy bức, nhục hình với bị can trong giai đoạn điều tra.


Hiện chúng ta chưa có đủ cơ sở vật chất, chưa trang bị camera ghi hình khi hỏi cung. Điều này cũng tạo điều kiện cho những người THTT lạm quyền. Về công tác đào tạo, quản lý, dù thường xuyên tổ chức đánh giá thi đua khen thưởng, phê bình và tự phê bình nhưng một bộ phận cán bộ làm công tác THTT lại vô kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Phải chăng người làm công tác quản lý do chạy theo thành tích và những con số báo cáo thi đua lúc nào cũng phải thật sự “đẹp” mà bỏ qua những cái sai, cái chưa đúng của cấp dưới?


Để tránh oan sai, trước hết cần mạnh dạn đấu tranh loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh”, đẩy mạnh công tác quản lý cán bộ; sửa đổi cả về mặt lý luận, lập pháp lẫn việc áp dụng pháp luật TTHS (tất cả vụ án hình sự bắt buộc phải có người bào chữa tham gia, phòng hỏi cung phải gắn camera…). Đặc biệt, “nguyên tắc suy đoán vô tội” phải được ghi nhận. Mọi nghi ngờ cần phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.


Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh đội ngũ bào chữa cũng không kém phần quan trọng. Liên đoàn LS Việt Nam, đoàn LS các tỉnh, thành cũng như bản thân mỗi LS phải luôn chú ý đến việc rèn luyện phẩm chất chính trị, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ...
 

Ngày 7-11, Việt Nam đã chính thức ký “Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác”.

Loại bỏ quan điểm xét xử “án đút túi”


Theo LS Ngô Đình Hoàng (Đoàn LS TP HCM), dù Bộ luật TTHS quy định ngay từ khi bị tạm giữ, tạm giam, nghi can có quyền nhờ LS bảo vệ quyền lợi nhưng trên thực tế, cơ quan tạm giữ đã không giải thích cho nghi can quyền này. LS cũng không dễ dàng được chấp nhận tham gia ngay từ giai đoạn này vì nhiều lý do, trong đó có việc CQĐT e ngại LS “vẽ đường cho hươu chạy”.


LS Lê Quang Vũ (Đoàn LS TP HCM) cho rằng trong thực tế, ngoài việc được cấp giấy chứng nhận bào chữa chậm, LS chỉ được CQĐT mời tham gia chứng kiến lấy lời khai một vài lần trước khi có kết luận điều tra. Một số hoạt động như khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra…, LS cũng không được thông báo để tham gia.


Theo LS Nguyễn Thành Công (Đoàn LS TP HCM), Thông tư 70/2011 của Bộ Công an quy định rất chi tiết việc CQĐT thông báo với người bị tạm giữ quyền nhờ người bào chữa nhằm bảo đảm quyền được bào chữa của nghi can, trong khi quy định việc cấp giấy chứng nhận LS lại bị “chặn” bằng một cụm từ rất “kỹ thuật”: “Phải có giấy của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo yêu cầu người thân của mình nhờ LS”. Thực tế, trong giai đoạn điều tra, các đối tượng này không được gặp người thân.


Nhiều LS cho rằng để hạn chế việc ép cung, dùng nhục hình, ngoài việc có camera ghi hình các buổi hỏi cung, Bộ Luật TTHS cần sửa đổi, bổ sung, cho phép LS tham gia giai đoạn bị tạm giữ, tạm giam của nghi can theo hướng đơn giản hơn - chỉ cần đơn yêu cầu LS của người thân nghi can cùng thẻ LS. Đặc biệt, phiên tòa phải là nơi để làm sáng tỏ, đầy đủ sự thật khách quan của vụ án; để bị cáo được trình bày mọi điều liên quan mà trong giai đoạn điều tra chưa nói hết được; là nơi mà việc tranh tụng diễn ra đến nơi đến chốn, loại bỏ hoàn toàn quan điểm xử án “án tại hồ sơ”, “án đút túi”.
Tố Trâm
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Mọi hành vi và ứng xử của con người trong xã hội văn minh đều chịu sự điều chỉnh của các quy phạm, quy tắc xã hội, quy định của pháp luật. Đối với người thực hiện, thi hành pháp luật cũng phải nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật, giữ vững và có biện pháp giám sát, điều chỉnh phù hợp, nghiêm khắc có thể hạn chế và đi đến xóa bỏ việc lạm quyền của người thi hành công vụ.

Tuy nhiên, xã hội vẫn luôn tồn tại những sai phạm, bất công, anh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những công dân trong xã hội. Mỗi người chúng ta đều có quyền tự bảo vệ cho mình, quyền sử dụng trí tuệ luật của những nhà tư vấn. 

Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, giải đáp những thắc mắc, khó khăn của bạn.

Trân trọng!

Nguồn tin: luatnguoingheo.vn