Chuyện pháp đình: Bị cáo “tự bơi” vì tòa truất quyền mời luật sư bào chữa

Bị truất quyền mời luật sư

Bị truất quyền mời luật sư

Bị truy tố tội “trộm cắp”, Nguyễn Vĩnh Hà (SN 1973, ngụ Xô Viết Nghệ Tĩnh, P17Q.Bình Thạnh) kêu oan suốt hơn 5 năm. Qua nhiều lần xét xử, cuối cùng TAND TPHCM xác định Hà không phạm tội trộm cắp, nhưng “vướng” vào hành vi “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản nhà nước”, phạt 6 năm tù. Bị cáo tiếp tục kêu oan và mời luật sư bào chữa. Thật bất ngờ, tại phiên phúc thẩm ngày 25-7-2012, HĐXX đã từ chối cấp giấy bào chữa cho luật sư vì “không nộp đơn trước ba ngày tòa xử” nên bị cáo Hà phải tự bào chữa. Luật sư và bị cáo hết sức ngỡ ngàng vì lần đầu tiên xảy ra chuyện kỳ lạ này.
Quyết định “năm không” ở cấp sơ thẩm

Như Báo CATP đã phản ánh, CLB “trò chơi có thưởng” Royale (số 1 Ngô Đức Kế, Q1 thuộc Công ty LD khách sạn Sài Gòn Riverside) bị mất trộm 500 triệu đồng vào lúc 7 giờ sáng 7-3-2007. Vụ án vừa xảy ra, cơ quan tố tụng xác định chỉ có Trần Quang Đạt (SN 1985, ngụ Cao Bá Nhạ, Q1, bảo vệ của CLB này) là thủ phạm, bị bắt giữ ngày 29-3-2007. Nguyễn Vĩnh Hà (tổ phó thu ngân CLB Royale) lúc đầu được xác định là “người làm chứng”, sau đó chuyển thành “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Đến ngày 28-7-2009, Hà bị bắt với vai trò chủ mưu. Tại phiên tòa ngày 19-11-2009, TAND thành phố (do thẩm phán Nguyễn Đức Sáu ngồi ghế chủ tọa) tuyên phạt Đạt - Hà mỗi bị cáo 10 năm tù. Tại phiên xử ngày 2-4-2010, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM nhận định “không đủ chứng cứ để quy kết Hà phạm tội”, tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại và hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với Hà.

Mãi đến ngày 21-11-2011, Viện kiểm sát nhân dân TPHCM ra bản cáo trạng lần thứ tư truy tố hai bị can Đạt - Hà tội “trộm cắp”. Ngày 19-3-2012, TAND thành phố có quyết định số 31/QĐ-XX do thẩm phán Vũ Thanh Lâm ký đưa vụ án ra xét xử. Thật khó tin, trong quyết định, thẩm phán Lâm bỏ trống đến năm mục buộc phải có. Không chỉ “quên” ghi tên nhân chứng, luật sư, nguyên đơn dân sự, cả tên của các hội thẩm trong HĐXX và kiểm sát viên tham gia phiên tòa, thẩm phán Lâm cũng “quên” tuốt! Quyết định “năm không” này đã vi phạm nghiêm trọng điều 178 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-4-2012, HĐXX nhận định: bị cáo Hà không phạm tội trộm cắp. Tuy nhiên, là tổ phó thu ngân của CLB Royale, Hà không làm tròn trách nhiệm (quên niêm phong, khóa mã két sắt) dẫn đến việc mất trộm 500 triệu đồng, trong đó tài sản nhà nước (vốn liên doanh) chiếm 28%, tương đương 140 triệu đồng. Với nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Đạt 8 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”, buộc Đạt trả lại 500 triệu đồng đã chiếm đoạt, phạt bị cáo Hà 6 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại tài sản nhà nước”.

“Quy định mới” của cấp phúc thẩm

Sau 5 năm bị truy tố, cuối cùng Hà không phạm tội trộm cắp nhưng lại lãnh án với tội danh mới nên kháng cáo kêu oan. Vụ án được tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đưa ra xét xử lần hai ngày 25-7-2012, HĐXX gồm ba thẩm phán: Phan Thanh Tùng (chủ tọa), Đặng Văn Thành và Hà Văn Thượng.

Chủ tọa Tùng cho biết tòa đã nhận được đơn xin cấp giấy chứng nhận bào chữa của luật sư (LS) Trần Hải Đức thuộc Đoàn luật sư TPHCM, nhưng nộp trễ. Theo quy định “luật sư phải nộp trước ba ngày tòa xử”, do đó tòa không chấp nhận cấp giấy bào chữa cho vị này. Hà trình bày: Trước đây bị cáo có nhờ LS Huỳnh Thị Phương Nga bào chữa. Ngày 21-7-2012, LS Nga thông báo đi công tác đột xuất nên không thể dự tòa, từ đó Hà mới nhờ LS Đức. Vụ án có nhiều uẩn khúc, bị cáo kháng cáo kêu oan nên rất cần có LS bảo vệ và xin hoãn phiên tòa. Thẩm phán Tùng nhất quyết không đồng ý mà cho phiên tòa tiếp diễn. Một mình bơ vơ, bị cáo Hà buộc phải tự “bơi” giữa tòa và nhận mức án 6 năm tù!

Trao đổi với PV Báo CATP, LS Trần Hải Đức khẳng định: “Không có điều luật nào quy định LS phải nộp đơn trước ba ngày tòa xử mới được tòa xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa. Khoản 4 điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ tòa án phải cấp giấy bào chữa không quá ba ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của LS. Nếu không cấp thì phải có lý do. Lý do mà HĐXX đưa ra để không cấp giấy bào chữa là trái luật, cản trở việc hành nghề của LS theo quy định pháp luật”.

Luật sư Đức cho biết thêm, sau khi bị tòa sơ thẩm kết án, Hà đã kháng cáo kêu oan. Lẽ ra HĐXX phải hết sức thận trọng, cho hoãn phiên tòa để bị cáo mời LS bào chữa. Do luật không quy định thời gian nên bị cáo được quyền mời LS bào chữa trong bất kỳ giai đoạn nào của vụ án. Luật sư Đức bức xúc: “Quy định mới” của HĐXX đã tước đi “quyền bào chữa của bị cáo được đảm bảo” quy định rõ tại điều 132 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”.


Lộ rõ dấu hiệu oan sai

Tại phiên tòa, kế toán trưởng CLB Royale Trần Thị Mộng Vân xác định: CLB có tổng giám đốc là người nước ngoài, hạch toán độc lập nên lương trả cho nhân viên lấy từ doanh thu của CLB. Như vậy, CLB Royale không phải là doanh nghiệp nhà nước.

Hồ sơ vụ án thể hiện rõ: từ khi ký hợp đồng tháng 8-2004, Hà chỉ làm việc cho CLB, không phải là cán bộ công chức nhà nước. Quan trọng hơn, tại thời điểm xảy ra vụ trộm thì Hà đã xong việc và rời khỏi CLB. Trong khi đó, tổ bảo vệ CLB Royale do Phạm Chí Dũng chịu trách nhiệm ca trực thừa nhận với HĐXX: thời điểm mất trộm, tổ bảo vệ là người giữ tài sản CLB Royale.

Vụ trộm đã được làm rõ, “đạo chích” Trần Quang Đạt bị tòa tuyên xử 8 năm tù và buộc hoàn trả lại 500 triệu đồng cho CLB Royale. Đạt đã chấp nhận bản án nên không kháng cáo. Như vậy, hậu quả đã được khắc phục, nhưng Hà phải chịu mức án 6 năm tù về tội “thiếu trách nhiệm” là quá nặng, không phù hợp. Dễ nhận thấy nếu kết tội Hà thì phải xử lý hành vi “thiếu trách nhiệm” đối với Phạm Chí Dũng và nhóm nhân viên bảo vệ của ca trực tối 6 đến sáng 7-3-2007 khi tụm lại đánh bạc, tạo sơ hở cho “chiến hữu” Đạt (cũng là thành viên tổ bảo vệ) ra tay.

Với những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như diễn biến tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cho thấy chưa đủ cơ sở vững chắc để quy kết Nguyễn Vĩnh Hà phạm tội “thiếu trách nhiệm”. Hiện bị cáo Hà và gia đình đã làm đơn khiếu nại, kêu oan gửi Chủ tịch nước, TAND tối cao, VKS tối cao cùng các cơ quan chức năng...

Trao đổi với báo chí, thẩm phán Vũ Phi Long - Phó chánh tòa hình sự TAND TPHCM cho biết: Trong những trường hợp có LS tham gia cận ngày xử như trên, tòa nên hoãn phiên xử để LS có điều kiện hoàn thành phần thủ tục tiến hành việc bào chữa, có thời gian nghiên cứu hồ sơ... Mặt khác, bị cáo hoàn toàn có quyền mời LS ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình tố tụng.

Một Luật sư cho biết: HĐXX cấp phúc thẩm đã không đi sâu nghiên cứu nội dung nên chưa làm rõ được bản chất của vụ án. CLB Royale không phải là doanh nghiệp nhà nước, còn bị cáo Hà chỉ được CLB thuê hợp đồng là nhân viên thu ngân, cũng không phải là cán bộ nhà nước nên không có căn cứ để kết tội Hà “thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước”. Mặt khác, vụ việc đã được làm rõ, kẻ trộm lãnh án 8 năm tù, buộc phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho CLB. Do đó, nếu chứng minh được Hà “thiếu trách nhiệm” thì có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được áp dụng khung hình phạt với mức thấp nhất của tội danh này.

 

Nguồn tin: internet